|

Lễ hội truyền thống

content:

CÁC DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG KIM MÃ

1. Chùa Kim Sơn

Chùa Kim Sơn còn gọi là chùa Tàu Mã, hay Kim Mã, được xây từ thời Tây Sơn. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1985). Địa chỉ: số 73 phố Kim Mã, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội (cổng chính mở ra phố Giang Văn Minh, đối diện Nhà hát Chèo Việt Nam).

dgrtrghyj

Cổng ngũ môn của chùa Kim Sơn

  

Lược sử

Hình thành từ thời Lý xa xưa, trại Kim Mã thuộc về vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía tây - nam Kinh đô Thăng Long. Về sau, trên đất trại này từng có một pháp trường liền với nghĩa địa, người dân trong thôn đã lập ra một am nhỏ để thờ cúng vong linh. Cuối thời Lê - Trịnh, khi Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh năm 1789, hàng vạn thi hài binh lính Tây Sơn chết trong trận hạ thành Đông Đô cũng được an táng tại đây; am được trùng tu và mang tên đàn Vạn Linh.

Vườn trước chùa Kim Sơn

Đời vua Tự Đức nhà Nguyễn, năm 1881 nhân dân làng Kim Mã đã góp công sức sửa sang am và gọi là chùa Tàu Mã. Trong chính điện đã dựng các tượng Phật và chuyển đặt bài vị thờ Vạn Linh sang hai bên. Năm 1898 chùa mới đổi tên chữ là Kim Sơn Tự. Năm 1932 dân làng xây lại và mở rộng chùa, tách riêng rẽ ba tòa nhà Tam Bảo, đền thờ Mẫu và đàn tế Vạn Linh.

 

Nhà bia liệt sĩ Tây Sơn.

Thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội, do cần quy hoạch lại thành phố nên năm 1952 các hài cốt trong nghĩa địa Kim Mã phải chuyển lên nghĩa trang Yên Kỳ (Sơn Tây). Năm 1953 chùa Kim Sơn cho xây dựng cổng ngũ môn quan, trên có đặt một pho tượng Phật và treo một quả chuông đồng khá lớn. Mặt trước và sau ngũ môn đều có câu đối viết bằng chữ Quốc ngữ.

 

Toà Tam Bảo, đàn Vạn Linh và nhà bia.

Năm 1972 chùa Linh Sơn ở phố Nguyễn Trường Tộ bị bom Mỹ tàn phá, toàn bộ 6 pho tượng Phật phải chuyển sang đặt ở đàn Vạn Linh và được thờ cho đến bây giờ. Năm 1985 chùa Kim Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm, cứ vào mùng 5 tháng giêng âm lịch, tức ngày giỗ trận Đống Đa, chùa lập đàn chay cúng tế vong linh các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước.

Năm 2011, nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ quân Tây Sơn được xây dựng cạnh đàn Vạn Linh mé bên trái sân chùa, lưng dựa vào bức tường dài dọc phố Kim Mã. Bia và chân bia do các nghệ nhân tỉnh Bình Định thực hiện trên một phiến đá đỏ liền khối lấy từ núi non của huyện Tây Sơn.

Kiến trúc

Chùa được làm theo kiểu “nội công ngoại quốc” với phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Ngũ môn quan nằm cách thềm lên chùa Kim Sơn khoảng 50m. Đường từ cổng vào chính điện đi qua hai nhà tả hữu mạc nhỏ 3 gian, xây dọc theo hai cạnh bên của khu vườn yên tĩnh với nhiều cây cau gầy nhô cao. Giữa vườn đặt tượng Bồ Tát đứng trên một cái hồ bán nguyệt nhỏ có tường gạch bao quanh. Sau hồ là bức bình phong, hai bên có các tháp mộ cổ.

 

Cổng chùa Kim Sơn trên phố Kim Mã.

Tiếp theo là một cái sân to nằm giữa hai sân nhỏ nhưng cao hơn, qua đó dẫn vào khu vực điện thờ gồm ba nếp nhà ba gian xây cạnh nhau. Nếp nhà có bậc tam cấp ở chính giữa được xây cao hơn và hơi nhô về phía trước. Đó là toà Tam Bảo với hai cửa ngách thông sang đàn Vạn Linh và đền thờ Mẫu. Nóc đền và nóc đàn được đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Nóc Tam Bảo thì có bảng ghi ba chữ Hán “Kim Sơn Tự”, hai bên đắp hai con rồng nhỏ.

Ban thờ Vạn Linh chùa Kim Sơn.

Bên trong Tam Bảo có nhiều hoành phi, câu đối và bia đá. Bức đại tự “Kim Sơn Cổ Sát” treo trước chính điện. Trong điện có 21 pho tượng Phật xếp làm 4 tầng, bên trên là 4 cửa võng chạm trổ rất cầu kỳ. Đáng chú ý một pho bằng đồng, cao 77cm và nặng trên 30kg, được thể hiện ở tư thế đứng thẳng với tay ấn “vô ủy” trên một cái bệ hình hộp gần vuông, đúc liền khối với tượng. Mặt trước chân bệ có khắc chìm một dòng chữ kiểu Sanskrit.

Ban thờ Mẫu chùa Kim Sơn.

Đàn Vạn Linh nằm sát bên phải tòa Tam bảo, bên trong hậu cung có bài trí hệ thống tượng Phật đem từ chùa Linh Sơn tới: tượng A Di Đà ở bệ trên cùng, tầng 2 đặt Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Đại Thế Chí, tầng 3 là tượng Di Lặc, tầng 4 có 2 tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát, tầng 5 là tòa Cửu Long nhưng không có tượng Thích Ca, tầng 6 là 2 tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Gian ngoài cùng bày hương án thờ Phật với 2 hương án thờ Vạn Linh ở hai bên, dưới sàn có tượng đàn voi Tây Sơn. Trong đàn Vạn Linh cũng có hoành phi, câu đối, chuông, bia...

Mái đàn Vạn Linh và nhà ni nhìn từ cổng hậu.

Đền thờ Mẫu ở bên trái tòa Tam bảo. Gian hậu cung trong cùng đặt một khám thờ trong có 3 tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn, Thủy Tinh Công chúa. Phía dưới khám gỗ là 2 tượng nữ thị vệ với nhiều bát nhang. Gian ngoài bày hương án, trên đặt 3 ngai thờ, Hùng Vương ở giữa. Hai gian đầu hồi gồm hai bệ thờ, mỗi bên có 3 tượng nữ thị vệ và binh khí.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Đình Kim Mã

Đình Kim Mã có ít nhất từ cuối thế kỷ 18, thờ Bố Cái Đại Vương, Linh Lang Đại Vương và quan thái giám Hoàng Phúc Trung. Xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1990). Địa chỉ: số 5 ngõ 221 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

Đình Kim Mã nhìn từ cao.

Lược sử

Đình nhìn về hướng nam, lưng giáp phố Kim Mã. Đường vào Đình Kim Mã đi xuống một dốc ngắn rồi đi qua con ngõ hẹp. Dấu tích cổng đình cũ không còn gì ngoài hai cột nghi môn trước sân bái đường. Sau khi trùng tu vào đầu thế kỷ 21, cổng mới hiện nay được mở ra ngõ như một cửa ngách nhỏ nhìn về hướng tây, mặt trước trụ cổng đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán, mặt ngang trên trụ có đắp thêm đôi câu đối khác bằng chữ Quốc ngữ.

Hộ pháp đình Kim Mã.

Đình mang tên làng cổ Kim Mã, một trong Thập Tam Trại (13 trại) tương truyền được lập từ thế kỷ 11 ở phía tây của kinh thành Thăng Long. Vào thời Lý - Trần, đất làng Kim Mã được dùng làm nơi nuôi ngựa của Hoàng cung, nên còn gọi là Tầu Mã hay Mã Trại. Một số tư liệu cũng ghi nhận đình Kim Mã đã được xây dựng từ lâu đời như trong các văn bia trùng tu soạn vào niên hiệu Tự Đức 28 (năm 1875) và Khải Định (1925).

Sân đình Kim Mã.

Kiến trúc

Đại đình Kim Mã

Cổng đình cũ có hai cột trụ được xây dựng bởi hai gia tộc lớn trong làng là họ Lê và Nguyễn Xuân. Trên ngọn và dọc thân trụ có trang trí bằng những hình chim phượng, tứ linh và hoa lá. Ở mặt trước và mặt sau hai trụ này có các câu đối ca ngợi công đức của Thành hoàng làng là Bố cái đại vương, người gốc Đường Lâm:
Kim Mã hiếu trung tồn sử sách

Đường Lâm nghĩa dũng tráng sơn hà.

Nghi môn đình Kim Mã.

Sân sau có các dãy tả, hữu vu ở hai bên. Toà đại đình 5 gian được xây theo hình chữ nhật, ở hàng hiên có các cột đắp câu đối. Trên đỉnh nóc đình có đôi rồng chầu mặt nguyệt. Trong đình, phía sát tường cuối hậu cung có xây bệ, trên đặt long ngai thành hoàng làng. Bộ phận này được trang trí bằng một cửa võng từ thế kỷ 19.

Đình Kim Mã còn lưu giữ được một sắc phong Phùng Hưng của vua Quang Trung, một sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá chạm trổ công phu hiếm thấy và 4 bia đá nói về các lần trùng tu. Đáng lưu ý bài văn “Trùng tu nội đình bi kí” có giá trị tư liệu lịch sử do nhà nho Lê Đình Diên tự Cúc Hiên soạn và dựng bia năm 1875, ghi chép về sự tích Phùng Hưng và làng Kim Mã. Nội dung bài văn đã được dịch và in trong sách “Lịch sử văn bia Hà Nội”.

Trong đình thờ ba vị thành hoàng: Bố Cái Đại Vương, Linh Lang Đại Vương và quan thái giám Hoàng Phúc Trung. Các vị này đều có liên quan đến các sự kiện lịch sử trọng đại đã từng diễn ra trong vùng.

Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Kim Mã là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 27/12/1990. Hiện nay ở cách đình khoảng 500m về hướng đông có  lăng Phùng Hưng cũng được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Trong đại đình Kim Mã.

Bố Cái Đại Vương (tức Phùng Hưng) sinh ngày 25 tháng 11 âm lịch năm Canh Tý (tức 12/02/761) trong một gia đình đã mấy đời làm Hào trưởng ở Đường Lâm, Ba Vì, Sơn Tây. Vào những năm 766 - 779, quan cai trị nhà Đường ở Giao Châu là Cao Chính Bình thi hành chính sách tàn bạo, bóc lột thậm tệ, khiến nhân dân phẫn nộ. Tương truyền Phùng Hưng lớn lên có sức khỏe phi thường, vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm đường, được mọi người trong vùng tin phục. Ông cùng hai em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phất cờ khởi nghĩa, chỉ sau một thời gian ngắn quân sĩ đã lên tới hàng vạn người. Cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, vào năm Ất Hợi (795) Phùng Hưng đánh tan quân xâm lược và lên nắm quyền trị vì được 7 năm. Đến ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (802) ông mất, con trai là Phùng An nối ngôi, tôn ông là Bố Cái Đại Vương và xây lăng mộ ở phía tây phủ thành Tống Bình.

Chính điện đình Kim Mã.

Linh Lang Đại Vương: theo truyền thuyết ông là hoàng tử, con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông và bà cung phi Cảo Nương. Một lần Cảo Nương đi tắm ở Hồ Tây, bị rồng quấn lấy người sau đó liền mang thai và sinh ra Linh Lang. Khi lớn lên gặp lúc giặc Tống xâm lược bờ cõi ông xin vua cha cấp một cỗ voi và một cây cờ hồng để đi dẹp giặc. Ông dùng cờ lệnh, lệnh cho voi quỳ xuống rồi xông ra trận, cờ lệnh ông chỉ đến đâu giặc tan đến đấy. Với chiến thắng vang dội vua cha muốn nhường ngôi nhưng ông không nhận, ông chỉ thích sống cuộc đời bình dị. Ít lâu sau ông bị bệnh rồi mất. Khi ông mất hóa thành giao long bò xuống hồ Tây rồi biến mất. Vua xót thương bèn sai lập đền thờ tại nơi thần hóa và phong thần là Linh Lang Đại Vương. Ông được suy tôn là vị thần trấn giữ, bảo vệ phía tây kinh thành Thăng Long. Gần đây, các nhà sử học cho rằng Linh Lang chính là hình ảnh được thần linh hoá của Hoàng tử Hoàng Chân - người đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Tống tại bờ sông Như Nguyệt năm 1076.

Toàn cảnh đình Kim Mã.

Quan thái giám Hoàng Phúc Trung (tức Quý Công) sinh ngày 13 tháng 1 năm Bính Dần (1026) quê ở làng Lệ Mật, huyện Gia Lâm. Năm 16 tuổi ông vào cung làm thái giám. Trong một lần đi trên sông Đuống, thuyền của con gái vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) chẳng may bị đắm, nhiều người lặn xuống mà không thấy xác công chúa. Ông xin tìm và đã vớt được. Vua phong ông làm “Thái giám nội thị tự khanh” và ban thưởng vàng bạc, lụa là nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành, dựng nên 13 làng (Thập Tam Trại), trong đó có làng Kim Mã. Đến ngày 10 - 10 năm Kỷ Hợi (1119) đời vua Lý Nhân Tông ông bị bệnh và mất ở kinh đô, hưởng thọ 93 tuổi. Với công lao to lớn, ông được nhà vua cho lập đền thờ ở nhiều nơi và sắc phong làm “Thành hoàng Thái giám Linh Chương Đại Vương, thượng đẳng phúc thần”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Đình Xuân Biểu

 

Cổng đình Làng Xuân Biểu Số 78 Phố Sơn Tây - Hà Nội

Theo văn bia gắn trên tường bên trái trong đình làng Xuân Biểu do Cử nhân Nguyễn Hoàng Duyên soạn vào mùa xuân năm Tân Tỵ 1941 và theo biên bản Hội đồng làng Xuân Biểu ngày 04/4/1939 và 29/12/1940 thì vào cuối thế kỷ 19. Chính phủ bảo hộ Pháp cắm đất để xây dựng khu vườn Bách Thảo và Phủ toàn quyền Đông Dương công trình được thiết kế và xây dựng trong những năm 1901 - 1906 với quy mô rộng lớn bao trùm hết một phần làng Khán Xuân - Ngọc Hà và Xuân Sơn thuộc huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội cũ. Dân cư hai làng trên phải di dời đến định cư ở ngoại Ô Cầu Giấy rồi hợp nhất thành làng Xuân Biểu. Làng Xuân Biểu xưa nằm trong phần đất bao quanh trung tâm phố Sơn Tây (Hà Nội) ngày nay.

Khi ấy làng Xuân Biểu nằm trong vùng đất hoang cạnh cửa Ô Cầu Giấy người thưa của hiếm ruộng đất mới được khai khẩn nên việc cấy trồng cũng chưa được nhiều. Làng mới cần có nơi thờ cúng Thành Hoàng nên các cụ cao niên trong làng đã chọn bãi đất trống đầu làng để lập bàn thờ lộ thiên như nền Văn Chỉ làm nơi thờ cúng Thành Hoàng làng cầu mong trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa dân làng bình an.

Tầng 2 của Đình Xuân Biểu

Qua năm Canh Tý (1900-1901) dân đã an cư lạc nghiệp. Các cụ lại họp bàn bổ mỗi nóc nhà 10 đồng quyên mỗi cửa hàng 20 đồng để sửa sang nền Văn Chỉ thành một ngôi đình sơ sài làm nơi thờ Đức Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng.

Trải qua mấy chục năm làm ăn sinh sống dân làng Xuân Biểu đã phồn vinh buôn bán phát tài ruộng vườn xanh tốt nhà xây tường gạch...Vào năm Kỷ Mão (1939 - 1940) nhằm năm mưa thuận gió hòa dân cư trong làng đã đông đúc hơn tính kỹ được trên 40 xuất đinh mà đình làng khi ấy lại bị hư hỏng nhiều nên dân làng mới họp lại để bàn việc xây đình mới. Nhưng quân bổ nhân xuất cùng các khoản thu khác cũng chỉ được ngót 300 đồng thì việc sửa chữa cũng dở dang chứ chưa nói đến việc làm đình mới. Cho nên để có ngân xuyến xây dựng đình các cụ nguyên lão trong làng đã nêu gương bỏ tiền của ra góp vào quỹ Công Đức nhằm kêu gọi mọi nhà cùng góp công của vào việc xây dựng đình làng khang trang rộng lớn hơn. Mười vị nguyên lão ấy là:

1. Cụ Nguyễn Văn Dậu 

2. Cụ Nguyễn Đức Cơ 

3. Cụ Bùi Văn Tám 

4. Cụ Phạm Văn Tin (Cụ Bá Tin)

5. Cụ Bùi Văn O

6. Cụ An Văn Tiệp 

7. Chu Văn Hậu

8. Quách Văn Tùng

9. Nguyễn Văn Nghệ 

10. Chu Xuân Dục

May thay đang lúc khó khăn trong dòng tộc họ Chu có người con trưởng tên là Chu Xuân Cổn làm nghề thầu khoán có quan hệ rộng rãi với các nhà kinh doanh buôn bán có tiếng ở Kinh thành. Ông xin được đứng ra gánh vác việc trọng đại của làng. Do vậy cùng với dân làng - người góp công kẻ góp của chỉ trong vòng ngót một năm đã xây dựng xong ngôi đình trong ngoài khang trang rộng rãi. Tầng một cùng với mấy gian nhà sau đình để cho thuê thu lời vào công quỹ khai nguồn lợi cho dân.

Một may mắn nữa là đình làng Xuân Biểu lại chính do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn thiết kế - Ông là tác giả của nhiều công trình kiến trúc rất đẹp ở Hà Nội như: Câu lạc bộ Quân đội một số biệt thự ở phố Yết Kiêu Thiền Quang Thái Hà Quán Sứ Hàng Giấy và các công trình kiến trúc khác ở Bắc Bộ.... Đáng chú ý hơn cả là chùa Quán Sứ (Hà Nội) Đây là ngôi chùa hai tầng đầu tiên ở Việt Nam và đình Làng Xuân Biểu cũng được ông thiết kế hình lục lăng mái cong hai tầng trông thật uy nghi lại tránh được ngập lụt trên thế đất thấp bên cửa ô Cầu Giấy ngày ấy. Mãi hơn 30 năm sau chùa Vĩnh Nghiêm chùa Xá Lợi ở Sài Gòn mới xây theo phong cách này. Đây là điểm đặc biệt rất quý của kiến trúc đình Làng Xuân Biểu. Đến nay chưa có thống kê cụ thể nhưng đình làng được làm hai tầng như đình Xuân Biểu thì ở nước ta chắc không nhiều.

Cụ Phạm Văn Tin (Cụ Bá Tin) Vị Từ đầu tiên của đình Xuân Biểu

Cụ Bá Tin được dân làng Xuân Biểu tín nhiệm tiến cử làm ông Từ đình làng đầu tiên để cai quản và đèn nhang hương khói thờ phượng Thành Hoàng làng. Khi Cụ Bá Tin chết con trưởng là Phạm Văn Khúc (tức ông Cả Khúc) thay cha trông coi đình. Sau năm 1954 Đình Xuân Biểu có lúc làm Trường dạy trẻ rồi làm nơi sản xuất mành trúc của HTX ...Vì không có người trông nom bảo quản không có nguồn thu vì mấy căn nhà của đình cho thuê đã thuộc quyền quản lý của nhà nước... Nên đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm gần đây đời sống của dân phố Sơn Tây (làng Xuân Biểu cũ) đã khấm khá chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương đối với đình chùa di tích lịch sử cũng được chú trọng và quan tâm hơn nên dân làng Xuân Biểu tức là nhân dân Phố Sơn Tây bây giờ mới họp lại và tiến cử ông Phạm Văn Mỹ là con trưởng của Cụ Phạm Văn Khúc (Cả Khúc) là một cựu chiến sĩ vận chuyển xăng dầu trong chiến tranh chống Mỹ năm xưa đã nghĩ hưu nay cũng đã ngoài 70 tuổi hiền lành đức độ ngay thẳng không tư lợi đã được dân bầu làm ông Từ để đứng ra trông coi đình làng.

Cụ Phạm Văn Khúc (Cụ Cả Khúc) - Vị Từ đời thứ 2 của Đình Xuân Biểu

Ông Phạm Văn Mỹ - Vị Từ đời thứ 3 của Đình Xuân Biểu

Đình Xuân Biểu đã trải qua nhiều thăng trầm nhiều năm không được tu bổ đã xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây được sự quan tâm của chính quyền địa phương nhân dân làng Xuân Biểu cùng với khách thập phương đã công đức góp công của để tu bổ ngôi đình có lịch sử trăm năm tuổi trả lại vẻ trang nghiêm nơi thờ Thành Hoàng làng - Đức Bố Cái Đại Vương. Một địa chỉ lịch sử của Thủ đô đón chào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

SỰ TÍCH THÀNH HOÀNG LÀNG XUÂN BIỂU
THƯỢNG ĐẲNG THẦN - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG - PHÙNG HƯNG

Cung thờ Thượng Đẳng Thần

Đình làng Xuân Biểu thờ Thành Hoàng là Đức Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng để đời đời ghi nhớ công ơn người có công với dân với nước. Và địa danh này là nơi thủa xưa Ngài băng hà. Thần tích được lưu truyền rằng: Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi hào trưởng đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm huyện Ba Vì Hà Nội). Xưa kia nơi đây là vùng đồi gò rừng cây rậm rạp thú dữ như cọp beo thường hay lui tới tàn phá nên tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm.

Ngày ấy ở Đường Lâm có phú ông tên là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài đức độ nhất vùng. Năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Khai Nguyên Phùng Hạp Khanh đem hơn trăm gia nô tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Sau đó ông trở về quê chuyên tâm xây dựng trang ấp. Ông trở nên giàu có nhất vùng. Gia nô có đến hàng nghìn người. Trời cho Ông bà sinh hạ luôn một lần được ba người con trai khôi ngô tuấn tú khỏe mạnh khác thường.  Anh cả là Phùng Hưng (tự là Công Phấn) em thứ 2 là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm họ 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Anh cả Phùng Hưng thay cha mẹ gánh vác việc nhà.

Dã sử ghi rằng: Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) tức 10/01/761 và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ tức 13/9/802 thọ 41 tuổi. Trong ba anh em Phùng Hưng có sức khỏe vô song và khí phách hơn người. Có lần ông đánh gục hai con trâu mộng đang húc nhau cày phá ruộng nương để bảo vệ dân làng. Lần khác lại trừ được hổ dữ đem lại bình yên cho làng xóm đến nay người dân Đường Lâm vẫn còn truyền tụng.

Phùng Hưng là người Anh hùng đầu tiên của dân tộc ta đánh chiếm thành Tống Bình (Hà Nội) Phủ Đô hộ của chính quyền Phương Bắc lúc đó để xây dựng nền tự chủ được gần chục năm. Tục truyền rằng: Thoạt kỳ thủy anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân đánh chiếm hết vùng Phong Châu xây dựng căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là: Đô Quân; Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu.

Năm Tân Mùi (791) Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh chia quân thành 5 đạo mạnh như vũ bão vây đánh thành Tống Bình. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong vòng 7 ngày quân giặc đại bại. Cao Chính Bình phải chạy vào cố thủ trong thành rồi lo sợ phát bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm thành và phủ Đô hộ chỉnh đốn binh sỹ xây dựng thành trì lập kế yên dân trông coi chính sự đất nước. Thời tự chủ của người Việt huy hoàng được 7 năm thì Ngài băng hà thọ 41 tuổi.

Sau khi Phùng Hưng mất Con trai là Phùng An lên nối ngôi lập miếu thờ và tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương. Nhưng chưa được hai năm hai anh em Phùng An và Phùng Hải tranh giành quyền bính khiến nội tộc họ Phùng chia rẽ sâu sắc làm lực lượng quân Việt bị suy yếu nghiêm trọng. Biết được điều đó nhà Đường cử lão tướng Triệu Xương cầm quân sang đánh. Anh em Phùng An và Phùng Hải yếu thế phải đầu hàng kết thúc trang sử bi hùng một thời tự chủ của người Việt mà Phùng Hưng đã tạo lập. Tuy Triều đại Bố Cái Đại Vương hưng trị chỉ vỏn vẹn ngót 10 năm. Nhưng công đức và chiến công lừng lẫy của Ngài được lưu truyền muôn thủa.

Đúng 100 năm sau ngày Phùng Hưng mất cũng tại quê hương của Ngài (Đường Lâm) một người anh hùng nữa đã ra đời. Đó là Ngô Quyền (898 - 944). Sau khi giết Kiều Công Tiễn trả thù cho bố vợ (Dương Đình Nghệ) Ngô Quyền xưng vương rồi đánh tan quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng. Trước giờ xuất trận thấy quân giặc hùng mạnh nhà vua cũng có phần lo lắng nhưng đêm đó Ngô Quyền mộng thấy một Cụ già râu tóc bạc trắng như cước mũ áo nghiêm trang xưng là Phùng Hưng đến cổ vũ và hứa sẽ đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu giúp hùng binh Việtt đánh giặc. Sau đại thắng Bạch Đằng nhà Nam Hán phải bỏ mộng xâm lược nước ta. Ngô Quyền xuống chiếu lập đền thờ Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng ở làng Cam Lâm to hơn quy mô cũ và tổ chức lễ hội thật trọng thể để ghi ơn phù giúp. Từ đó thành điển lệ các triều đại về sau đều có sắc thượng phong: "Phụ hựu" "Chương tín" "Sùng nghĩa". Đó là những tên hiệu mà các triều Trần trung hưng đã tặng thêm cho Đức Bố Cái Đại Vương.

Ngoài ra còn nhiều nơi lập đền thờ Ngài như: đình Quảng Bá đình Triều Khúc lăng Đại Áng v.v...Hiện nay tại Hà Nội vẫn còn dấu tích lăng thờ Phùng Hưng ở phố Giảng Võ đơn sơ có đề 4 chữ "Phùng Vương cố lăng" (lăng cũ vua Phùng) với đôi câu đối:

Anh hùng khai thác kham thiên cổ
Phụ mẫu xưng hô hợp vạn dân.
nghĩa là: 
Sự nghiệp anh hùng truyền vạn thủa
Tôn xưng cha mẹ hợp muôn dân.

Đình làng Xuân Biểu Phố Sơn Tây (Hà Nội) thờ Đức Bố Cái Đại Vương với đại tự là "Thượng Đẳng Thần". Trung tâm thủ đô Hà Nội còn có một đường phố lớn mang tên Phùng Hưng.

VĂN BIA TRONG ĐÌNH XUÂN BIỂU (*)

Văn bia của đình Xuân Biểu

Kìa như tấm đá trơ trơ
Phong ba chẳng chuyển nắng mưa chẳng mòn
Lại như quả phúc vo tròn
Nghìn năm còn thấy hãy còn ngợi khen

Xét ra không gì bền bằng đá mà không gì quý bằng danh. Vậy nên xưa nay những người có công đức với dân thì tạc đá dựng để thờ di tích về sau mãi mãi.

Dân ta xưa kia một phần ở làng Khán Xuân Ngọc Hà và Xuân Sơn thuộc huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội. Sau khi Đại Pháp sang bảo hộ mới cắm đất ấy gần đây để xây Phủ toàn quyền và vườn Bách thảo nên dân phải tản cư đi chỉ còn mười xuất rủ nhau ra thiện cư ngoại ô Cầu Giấy lập làng tức là làng Xuân Biểu bây giờ. Khi ấy người hiếm của kiệm nhờ có 10 cụ sáng lập nên một đền thờ lộ thiên như nền văn chỉ vậy. Vào khoảng năm Canh Tý dân đã phồn thịnh các cụ mới họp bàn về việc làm đình. Nào bổ mỗi nóc nhà 10 đồng nào quyên mỗi cửa hàng 20 đồng cũng chỉ đủ sửa sang nền văn chỉ ấy thành một ngôi đình sơ sài vậy. Đến năm Kỷ Mão thì con cháu các cụ từng đã đông đúc được hơn 40 xuất và trong làng buôn bán cũng có phần phát đạt mà đình làng xét ra hư hỏng nhiều cho nên dân lại phải họp bàn để sửa chữa nào thu tiền gốc lãi nào quân bổ nhân xuất nhưng cũng chỉ được ngót 300 đồng thì sửa chữa cũng giở giang và làm đình mới thì làm sao nổi may nhờ có ông Chu Xuân Cổn đứng lên xướng nghị rằng: Việc này là việc to tát khó khăn đây nhưng "Trên đời không có việc gì khó" xin các cụ cùng tôi kiên tâm để chù tính mới được. Rồi ông đem tài mẫn cán để giao thiệp với các nhà tư bản trong xóm hết sức kinh doanh để công cuộc được hoàn toàn nào xuất tài nào xuất lực hơn một năm giời khó nhọc biết bao mới xây dựng nên một ngôi đình tốt đẹp đáng giá 5000 đồng mà phí tổn chỉ có ngót 4000 đồng nào trong là cúng thờ ngoài là đại bái nên đỉnh cao thực là tôn trọng. Trong đình rộng có vẻ phong quang lại còn sau đình cũng làm thêm mấy gian nhà cho thuê thu lời vào công quỹ thì thật là khéo tính mà khai nguồn lợi cho dân vô cùng vậy. Đương thời buổi khó khăn này người có của đã hiếm mà người có công lại càng hiếm làm thế nào mà ông bà đem công lo giúp nên việc lớn thì ông cha phải là người có trí tu thâm viện cớ can đảm quả quyết làm rủ dân làng bàn nhau "Ông trời không phụ lòng người" thì chắc là đúng Thượng Đẳng làng ta cũng chiều dân đen mà ủng hộ cho gia quyến ông được thịnh vượng đời đời. Nhưng hiện bay giờ dân làng không biết lấy gì kỷ niệm cái công to tát ấy chỉ có tạc đá làm bia để ghi chép lấy danh hiệu của ông công lao của ông tấm lòng tốt của ông cùng với ngôi đình nghiêm trang chắc chắn này lưu chuyền về sau mãi mãi.

 

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 245
Số lượt truy cập: 300231